Đã từ lâu, Hàn Quốc luôn được đánh giá là một thị trường lao động tiềm năng với mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt.Việt Nam cũng luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012, do tỉ lệ bỏ trốn cao trên 50%, phía Hàn Quốc đã chính thức ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam. Với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, vận động, tuyên truyền trong nước và tại nhiều tỉnh của Hàn Quốc có đông lao động Việt Nam đang làm việc, như: Suwon, Uijeongbu, Daegu, Ansan, Incheon và Cheonan và gần đây nhất là việc Thủ tướng đã có quyết định cho thí điểm ký Quỹ 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, áp dụng mức phạt 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức đã giúp tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc giảm từ trên 50% xuống 40%.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, dự kiến sớm nhất là đến giữa tháng 10 năm nay mới có thể tiếp tục đưa lao động sang Hàn Quốc theo EPS. Các đối tượng nằm trong diện được sang làm việc tại thị trường này gồm: Lao động đã đỗ các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn theo EPS vào tháng 12-2011 và tháng 8-2012; những ứng viên thuộc huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra EPS-TOPIK tháng 8-2012 nhưng chưa được tham gia kiểm tra; những lao động đã về nước đúng hạn và đã đỗ kỳ kiểm tra EPS-TOPIK trên máy tính mà chưa sang lại Hàn Quốc. Hai bên sẽ tổ chức kiểm tra tiếng Hàn cho những ứng viên thuộc huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra EPS-TOPIK tháng 8-2012 nhưng chưa được tham gia kiểm tra do bản ghi nhớ trước đây chưa được gia hạn vào tháng 8-2012. Sắp tới, các chuyên gia của hai bộ sẽ tiến hành thảo luận để trong thời gian sớm nhất sẽ ký kết bản ghi nhớ đặc biệt. Nếu không có gì thay đổi, Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử lao động sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm sẽ được ký kết trước ngày 10-10-2013. Theo đó, khoảng 15.000 lao động (gồm 12.000 người đã thi chứng chỉ tiếng Hàn từ năm 2011, người đã làm việc tại Hàn Quốc có nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc và 3.000 lao động nghèo) sẽ được cung cấp hồ sơ dự tuyển cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn trong 3 tháng cuối năm nay. Trước mắt, phía Hàn Quốc cũng đã dành 4.800 chỉ tiêu tuyển dụng cho số lao động này ngay trong năm nay. Cùng với việc tiếp nhận hồ sơ trở lại số lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục mở các lớp đào tạo miễn phí cho các lao động về nước đúng hạn để giới thiệu cho các DN Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhiều chế tài mới Tuy nhiên, việc mở lại thị trường đối với trên 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn và các lao động về nước đúng hạn vẫn chỉ là kết quả bước đầu. Làm sao để các giải pháp, chính sách về Xuất khẩu lao động được thực hiện có hiệu quả, tăng cường trách nhiệm và chất lượng của lao động Việt Nam, lấy lại niềm tin đối với lao động Việt Nam của DN Hàn Quốc, mở cửa cho các lao động mới được tham gia thị trường lao động thu nhập cao mà không quá đòi hỏi khắt khe như Hàn Quốc mới là đích đến cuối cùng. Nhằm thắt chặt quản lý đối với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo EPS. Theo Quyết định này, từ 21-8-2013, người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Số tiền ký quỹ này sẽ được hoàn trả (bao gồm cả gốc và lãi) cho người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn. Nếu người lao động về nước trước thời hạn do phạm lỗi thì số tiền sẽ được sử dụng để bù đắp thiệt hại. Còn trong trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, tiền ký quỹ sẽ không được hoàn trả. Với những chế tài trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kỳ vọng tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ được hạn chế tối đa. Từ đó, uy tín và thương hiệu của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được nâng cao, nhất là không tái diễn tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh” như hiện nay.
Theo Báo: haiquan.vn