Xuất khẩu lao động tại chỗ,Nhật -Việt

Khoảng 800 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng thiếu lãnh đạo trẻ có học vấn để kết nối người quản lý Nhật Bản và người lao động Việt Nam. Để giải bài toán trên, các cơ sở dạy nghề ở TPHCM và cơ quan chức năng của Nhật Bản đang có nhiều chương trình đào tạo bài bản, nâng chất nguồn nhân lực.
Năm 2013, Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Học viện Xúc tiến công nghiệp TP Kawasaki (Nhật Bản) và Trường Cao đẳng Nghề TPHCM đã ký kết hợp tác chương trình nâng cao kỹ năng sản xuất Mono-Zukuri của Nhật Bản.

Xuat-khau-lao-dong-tai-cho-Nhat-Viet

Trước tiên áp dụng với nghề cơ khí và 30 sinh viên được lựa chọn. Ông Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM cho hay, chương trình nâng cao kỹ năng sẽ được đưa vào học song song với chương trình chính khóa của sinh viên năm 2 và 3 nghề cơ khí. Sinh viên sẽ được học tiếng Nhật trước khi vào học chính thức chuyên môn với các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật Nhật Bản
 Bên cạnh đó, trường và DN sẽ rèn luyện kỹ năng mềm, tác phong và văn hóa làm việc trong DN Nhật Bản. Sinh viên tham gia dự án sẽ được thực tập, trải nghiệm thực tế trong các DN Nhật Bản tại Việt Nam do tổ chức JICA và TP Kawasaki giới thiệu. “Đây là cơ hội cho sinh viên của trường tiếp cận, học hỏi các công nghệ tiên tiến và phong cách làm việc của người Nhật để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp” .
 Theo các chuyên gia, “thua trên sân nhà” là nguy cơ được cảnh báo trong lĩnh vực lao động việc làm khi Việt Nam hội nhập. Nếu không tính đến cả việc xuất khẩu lao động ngay tại nội địa, tức là tạo ra đội ngũ làm việc cho công ty nước ngoài ở Việt Nam thì tất yếu, những việc làm tốt ở Việt Nam sẽ rơi vào tay… người nước ngoài. Dự án được tài trợ toàn phần của Chính phủ Nhật Bản được kỳ vọng phần nào giải quyết những khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng chuyên viên kỹ thuật Việt Nam làm việc tại Nhật Bản cũng như các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Người lao động Việt Nam có cơ hội được tiếp cận, làm việc ở các vị trí lao động nước ngoài đang đảm nhiệm, đủ sức cạnh tranh với lao động nước ngoài.
Mô hình xuất khẩu lao động tại chỗ cho DN Nhật Bản bắt đầu được áp dụng tại DN tư nhân ở TPHCM. Tháng 9-2013, lần đầu tiên, với sự hỗ trợ của JICA, Trường Kaizen Yoshida (Nhật Bản) và Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TPHCM), khánh thành Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật. Dự kiến, thời gian tới, trung tâm này sẽ đào tạo 2.000-3.000 nhân lực cung cấp cho thị trường Nhật Bản và theo yêu cầu của các DN Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam.
Đặc biệt, không những đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các công ty xuất khẩu lao động bắt đầu tuyển mộ lao động chất lượng từ Nhật Bản về để giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam. Để làm việc hiệu quả tại DN Nhật Bản ở Việt Nam, theo bà Huỳnh Thị Thanh Triều, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cybozo Việt Nam, người lao động cần hiểu được văn hóa, phong cách làm việc của người Nhật Bản. Đa số các công ty Nhật Bản đều muốn người lao động làm việc lâu dài với họ (ít khi “hớt váng” chất xám như một số công ty ở quốc gia khác) và gắn bó, trung thành là nét văn hóa làm việc đầu tiên mà người Nhật coi trọng. Bên cạnh nền tảng cơ bản, tính kỷ luật và kỹ năng làm việc theo nhóm, người Nhật Bản luôn theo đuổi sự hoàn hảo. Vì thế, trong công việc, người lao động Việt Nam không chỉ hoàn thành phần việc được DN Nhật yêu cầu mà nên làm tốt nhất công việc ấy. Cần cù, nghiêm túc, cẩn thận - có khi để ý từng chi tiết… là phong cách mà người lao động cần có khi làm việc ở các DN Nhật.
Nhìn rộng ra, xuất khẩu lao động tại chỗ không chỉ là cơ hội mở ra cho người lao động Việt Nam có việc làm ngay tại quê hương mình mà còn là một nhu cầu tất yếu, vừa phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, vừa góp phần thực hiện chương trình quốc gia về việc làm, vừa khắc phục đáng kể những bất cập của hoạt động xuất khẩu lao động trực tiếp.