Chuyện làng xuất khẩu lao động đẫm nước mắt

Làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có số lượng đáng kể người lao động tìm việc làm ở nước ngoài. Nhưng không ít những bi kịch, những cảnh đời đẫm nước mắt nơi quê nhà còn ở lại

Những người đàn ông đơn độc

Rẽ qua những con đường nhỏ vòng vèo trong thôn 5 nằm bên cửa biển Lý Hòa thuộc làng Lý Hòa, tôi gặp anh Đoàn Văn Dũng cầm cái lon nhựa đi ra từ túp nhà xập xệ. Bắt tay tôi, anh Dũng chỉ vào túp nhà, bảo: “Vào đi, miềng đi lấy cút rượu”. Tôi vào nhà thấy bạn rượu anh Dũng là ông Hồng đang nằm trên tấm đệm trải giữa nền nhà. Cạnh tấm đệm là “bàn” nhậu đang dở dang gồm một cái xoong nhỏ kho mồi tép biển, hai cái bát, một cái chén đặt trên nền đất.

Chuyen-lang-xuat-khau-lao-dong-dam-nuoc-mat


Ông Hồng ngồi dậy, nói: “Thấy thằng Dũng đơn thương độc mã quá, miềng sang đây nhậu cùng cho nó đỡ buồn. Vừa hết chai thứ nhất, nó đang đi lấy tiếp. Nhậu từ sáng sớm mà đã 9 giờ, chưa biết khi nào dừng đây”. Anh Dũng về lấy thêm chén, rót rượu mời tôi nhập cuộc. Nhìn túp nhà trống như một cái ô bàn cờ ăn quan vẽ trên triền cát nóng, tôi hỏi chuyện vợ con, anh tu một chén, nói: “Vợ đi xuất khẩu lao động nay đã “để” tui rồi. Ba đứa con ở với bà ngoại. Đứa lớn đã 19 tuổi, sắp đi theo mẹ nó. Đây là nhà chị gái. Chị đi làm thuê trong Nam nhờ tui trông nhà, hương khói ngày lễ tết”.

Ông Hồng kể: “Thằng Dũng 46 tuổi, vợ nó là Lê Thị Côi, 38 tuổi. Năm 1995 vợ nó đi xuất khẩu lao động “chui” sang Đài Loan (TQ). Sau 5 năm bị bắt rồi bị trục xuất, về nhà được ít tháng vợ nó giấu chồng làm lại giấy tờ đi Singapore. Một số người làng Lý Hòa đang lao động ở Singapore về cho biết con Côi đã lấy chồng làm nghề quản lý kỹ thuật tại một khách sạn ở bên đó”. Rót thêm một chén rượu, ông Hồng nói tiếp: “Hồi con Côi đi, thằng Dũng to khỏe như vâm, là thuyền viên số một của tàu đánh cá cỡ bự ở làng này đấy. Từ ngày vợ bỏ đi lấy chống ngoại, Dũng chỉ biết dùng rượu giải khuây. Không ngờ càng ngày nó càng uống tợn, đến mức có thể uống 24/24 giờ. Có hôm say lên xỉn xuống nằm lịm ngoài vệ đường. Nhìn cảnh ấy thấy cơ cực quá”.

Hội mất vợ

Nghe chuyện, anh Dũng ngừng chén rượu trên tay nhìm đăm đăm ra triền cát, nói vẻ nghĩ ngợi: “Một tháng tui đi biển 20 ngày, còn lại 10 ngày vào bờ biết làm gì ngoài uống rượu với hội bạn mất vợ. Vợ đi biệt tăm, không một lần điện thoại hỏi han. Thật chuyện đời không biết đường mô mà lần. Tuy thế, chuyến biển nào về tui cũng mang tôm cá đến cho con. Mỗi chuyến được ba, bốn triệu đồng thì cho con một triệu ăn học, còn lại để phòng cho cái thân này khi đau ốm”. Hỏi chuyện vì sao lại để vợ đi xuất khẩu “chui” mới nên tình cảnh này, anh nói: “Vợ đi theo “phong trào”, tui giữ không nổi. Giờ tui ở “quá” luôn. Nếu tui đi một bước nữa khác gì gánh gãy đòn triêng (đòn gánh) bước răng được trên cái xứ cát khô không khốc này”.

Hội bạn mà anh Dũng nói gồm bốn người trong làng cùng chung cảnh vợ đi theo “phong trào” xuất khẩu rồi lấy chồng nước ngoài. Trong hội này có một người đã chết. Đó là anh Nguyễn Văn Phương - chồng chị Phan Thị Hồng ở thôn Thượng Hòa. Hôm ở nhà anh Dũng ra tôi gặp bà Bình - mẹ của anh Phương - đang ngồi bên chiếc xe đẩy bán nước mía. Hỏi chuyện về tình cảnh của anh Phương, bà Bình ngậm ngùi: “Vợ nó đi xuất khẩu bên Đài Loan để lại hai con cho chồng. Chồng nó không có sức ra biển như người ta nên phải theo nghề xe ôm kiếm sống. Hôm chở khách ra Hà Tĩnh, trên đường trở về không biết buồn phiền thế nào mà lại say rượu rồi gặp nạn, nằm chết trên đèo Ngang”.

Cách nhà anh Phương không xa là túp nhà của anh Lê Văn Bảy ở thôn Nội Hòa, cùng hội bạn với anh Dũng và anh Phương. Túp nhà khóa cửa, tôi hỏi người dân qua đường mới biết anh Bảy đang đi uống rượu bên nhà ông Tuất ở thôn 5. Khi tôi đến thấy anh Bảy đang ngồi say trước thềm nhà ông Tuất. Vợ anh Bảy là chị Nguyễn Thị Luyến đi Đài Loan sau chị Lê Thị Côi một năm, cũng để lại hai con cho bà ngoại. Sáu năm nay, chị Luyến không một lần liên lạc với chồng. Trong cơn say, anh Bảy nói: “Vợ nó bỏ đi tôi mới tàn tạ thế này. Nghe nói nó sắp lấy chồng bên Đài Loan rồi. Mặc kệ nó, nhưng mỗi lần nghe người đời kháo chuyện, trêu chọc tôi chỉ muốn rượu say làm cho suy kiệt hẳn đi”. Nói xong, anh Bảy giục tôi đưa tiền đi mua thêm chai rượu nữa để giải sầu.

Người thứ tư là anh Châu có vợ là chị Lanh ở thôn Trung Hòa. Chị Lanh cũng đi xuất khẩu và lấy chồng ở Đài Loan. Tôi tìm đường đến nhà anh Châu nhưng người dân Lý Hòa khuyên không nên, bởi “họ say quên ăn, quên ngủ. Hễ ai nhắc đến chuyện đi xuất khẩu, nhất là chuyện vợ lấy chồng nước ngoài thì thể nào cũng bị chém. Mẹ vợ cũng từng bị anh ta chém. Xã đã năm lần phải can thiệp thì biết đấy”.

Không thể kiểm soát được những phụ nữ đi làm “osin”

Phía sau những bi kịch nêu trên là những câu chuyện khác về những cô gái Lý Hòa đi xuất khẩu lao động rồi lấy chồng ở nước ngoài. Đó là Lê Thị Thảo (19 tuổi ở thôn Nội Hải) lấy chồng người Mỹ, gốc Việt; Đặng Thị Ánh (33 tuổi, ở thôn Tân Lý) lấy chồng Đài Loan rồi bỏ, sang Mỹ lấy chồng mới; Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Lý (ở thôn Thượng Hòa) đều lấy chồng Đài Loan; Hoàng Thị Hằng (ở thôn Thượng Hòa)lấy chồng Pháp. Còn có trường hợp Võ Thị Mai sang Hàn Quốc bằng cách cưới giả để nhập cư nhưng lộ tẩy đã bị trục xuất về nước.

Những thông tin nêu trên được phó chủ tịch UBND xã Hải Trạch Phạm Thiếu Song thừa nhận. Ông nói: “Xã Hải Trạch có hơn 100 phụ nữ đi xuất khẩu lao động làm nghề “osin” ở Đài Loan và Hàn Quốc. Họ đi bằng nhiều cách nên không thể kiểm soát được nạn đi “chui”. Đa số những người đi hợp pháp nay đã hết hạn lao động nhưng tìm cách ở lại làm thêm. Thực trạng này khiến Hải Trạch là một trong 23 xã của huyện Bố Trạch bị cấm đi xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bây giờ ai muốn đi phải chuyển hộ khẩu sang địa phương khác mới làm được hồ sơ”.

Giải thích vì sao phụ nữ đi xuất khẩu lao động lại để xảy những bi kịch ngay trong nhà mình, ông Song nói: “Hiện chúng tôi chưa biết hết còn những ai đã và chuẩn bị lấy chồng nước ngoài, vì trong số lao động nữ có nhiều người đang ở lại làm thêm. Những phụ nữ đã lấy chồng nước ngoài là do kinh tế gia đình họ quá khó khăn, có nhà còn mắc nợ trong khi chồng ở nhà không xoay trở được. Rất có thể đây là tình cảnh khiến tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ, vợ không bỏ hẳn nhưng vẫn lấy chồng nước ngoài gây nên những chuyện buồn ở làng biển này”.

Ngôi nhà của ba dì cháu

Trong bao bi kịch ngẫm mà buồn ở xã Hải Trạch, riêng có một trường hợp lấy chồng nước ngoài nhưng không bị dân làng Lý Hòa lên án. Đó là chị Hoàng Thị Tuyết (40 tuổi), ở thôn 5, ngay dưới chân đèo Lý Hòa. Chồng chị Tuyết là anh Dương Công Hạnh tử nạn do tàu hàng bị chìm trên vùng biển Trung Quốc. Lúc đó chị Tuyết mới 23 tuổi, có một con gái Dương Thị Loan, 3 tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai.

Chồng mất, chị Tuyết đi làm thuê 6 năm quanh làng rồi xuất khẩu lao động sang Đài Loan từ năm 2004. Từ đó đến nay chị Tuyết mới về nhà một lần để làm nhà và nhờ chị gái đến ở, chăm sóc hai đứa con ăn học. Hiện Loan là sinh viên năm thứ ba trường ĐH kinh tế Đà Nẵng. Em trai Loan là Lai đang học lớp 11. Hiện ba dì cháu ở trong ngôi nhà mới.