Trước thực trạng khoảng 30% lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, cơ quan quản lý đề xuất, cần có mã số cho mỗi lao động để dễ dàng xác định được thông tin, địa chỉ của từng người.
Sáng 16/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước nhưng vẫn ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp.
Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, năm 2004 - 2013 có trên 71.000 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Khoảng 75% lao động này đang làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo công nghệ cao, còn lại làm việc trong ngành ngư nghiệp.
Tuy nhiên, khoảng 30% lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp, sau khi hết hạn hợp đồng thì trốn ở lại. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với 15 quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc. Bà Hương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động mong muốn có việc làm và thu nhập, họ xem lợi ích cá nhân bao trùm lên lợi ích tập thể, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe...
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động đề xuất, cần nâng cao chất lượng đào tạo lao động trước khi đưa đi, xây dựng quy trình tuyển chọn tiên tiến, đào tạo kỹ năng mềm cho lao động. Chú trọng hơn tới mối liên hệ ràng buộc giữa người lao động và gia đình, chính quyền địa phương.
Việc hợp tác giữa các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động trong và ngoài nước cũng phải được đẩy mạnh. Các quy chế quản lý và xử phạt cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng cần đủ sức nặng để người lao động hạn chế vi phạm.
"Chúng ta có thể áp dụng phương pháp sử dụng chip theo dõi như ở Indonesia. Tức là mỗi lao động sẽ có một mã số, từ đó cơ quan quản lý có thể xác định được thông tin, địa chỉ của từng người, hạn chế tối đa việc lao động bỏ trốn. Đồng thời, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho họ", bà Hương đề xuất.