Xuất khẩu lao động Hàn Quốc gặp nhiều bất lợi

Tình trạng cư trú bất hợp pháp gia tăng và những phàn nàn của chủ sử dụng tại Hàn Quốc về lao động Việt Nam đang gây bất lợi cho ngành xuất khẩu lao động.

Ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang ở mức đáng lo ngại và ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Cùng đó, chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tiếp tục phản ánh việc người lao động Việt Nam chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng. Đặc biệt là chủ sử dụng lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp bày tỏ sự không hài lòng với người lao động Việt Nam đang tăng lên, đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc lựa chọn lao động Việt Nam trên mạng Internet.

Ở một số công ty đã có nhiều người lao động Việt Nam chuyển việc, xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam đang có dấu hiệu giảm dần, chủ sử dụng lao động chuyển sang lựa chọn người lao động của các quốc gia khác.

Xuất phát từ các phàn nàn này, các Hiệp hội Ngư nghiệp, Hiệp hội Nông Nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã có những đánh giá không tích cực về lao động Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử.

Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%).

xuat-khau-lao-dong-han-quoc-gap-nhieu-bat-loi

Ngành xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đang gặp nhiều trở ngại

“Tình trạng lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng đã tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc lo ngại số lượng này tiếp tục gia tăng khi số lượng lao động kết thúc hợp đồng trong năm nay là rất lớn. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc”- ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, hiện Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện các giải pháp của nhằm ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Cụ thể, cảnh sát Hàn Quốc sẽ thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Nhờ việc tăng cường truy quét, số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc đã giảm mạnh. Hiện nay, số lao động có nguồn gốc là tu nghiệp sinh cư trú bất hợp pháp từ các năm trước đây đã giảm xuống chỉ còn gần 200 người tại thời điểm hiện nay.
Cảnh sát nước này cũng đang tiến hành điều tra các tổ chức tội phạm người nước ngoài, trong đó có các đường dây liên quan đến việc tổ chức cho người lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp; đồng thời thực hiện chính sách thưởng tiền cho những người cung cấp thông tin cho cảnh sát về người lao động bất hợp pháp.

Cùng đó, mức xử phạt người lao động và chủ sử dụng lao động sử dụng  bất hợp pháp cũng đã được tăng cường mạnh. Các chủ sử dụng lao động sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền tối đa là 40 triệu won, có thể bị cấm hoạt động. Ngoài ra, người lao động đã từng cư trú bất hợp pháp sẽ bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc...

Nhằm giải quyết tình hình này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam yêu cầu từ các địa phương siết chặt khâu quản lý, tuyển chọn lao động xuât khẩu lao động đi Hàn Quốc. Cùng chế tài áp dụng đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp cũng được thực hiện như phạt tiền, cấm đi lao động nước ngoài trong 2 năm, bồi thường thiệt hại và chi phí phát sinh...