Hà Tĩnh : Lừa đảo xuất khẩu lao động

Sau khi nhận tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động của nhiều người dân, bà Đào hứa hẹn hết lần này đến lần khác nhưng 1 năm trôi qua vẫn không đi được. Khi người dân đến nhà đòi lại tiền thì bà Đào đã “cao chạy xa bay”.

Dân nghèo ôm nợ vì bị lừa đi xuất khẩu lao động

Theo đơn tố cáo của nhiều người dân trú tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, họ đã bị một người tên Hoàng Thị Đào (trú tại số nhà 68, ngõ 15, phưởng Cửa Nam, TP. Vinh , Nghệ An) lừa tuyển đi lao động xuất khẩu tại Hà Lan. Nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc, bà Đào đã không làm thủ tục để người dân được đi xuất khẩu lao động mà “cao chạy xa bay” với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo trình bày của những người dân này, vào khoảng giữa năm 2012, khi biết bà Hoàng Thị Đào có nhu cầu tuyển lao động đi xuất khẩu lao động, nhiều người đã liên hệ và được bà Đào giới thiệu công việc trồng cỏ nuôi bò sữa tại Hà Lan. Mức lương khởi điểm là 1.000 USD/tháng/người. Từ tháng thứ hai là 1.500 USD/tháng/người. Làm việc 12 tiếng/ngày, công ty lo ăn, ở đầy đủ với tổng chi phí đi là 5.800 USD/người, làm việc theo hợp đồng 3 năm. Ngay sau đó, bà Đào đã ra giá đặt cọc đợt đầu là 500USD cùng với ảnh và hộ chiếu.

Vì tin tưởng bà Đào nên vào ngày 29/7/2012, nhiều người đã đến nhà riêng của bà Đào để đóng tiền đặt cọc là 500 USD. Tất cả đều được bà Đào viết giấy biên nhận bằng tay và ký xác nhận với lời hứa “Thời gian xuất cảnh là 3-5 tháng. Sau thời gian trên nếu không đi được, tôi xin hoàn trả số tiền trên”.

Ha-Tinh-lua-dao-xuat-khau-lao-dong

Khoảng 2 tuần sau khi nhận tiền đặt cọc, bà Đào tiếp tục thu mỗi người là 3.900.000 đồng để đưa ra Hà Nội khám sức khỏe. Tại bệnh viện, người dân được làm các xét nghiệm như xét nghiệm HIV, viêm gan B và tiêm một liều văcxin 3 trong 1. Tuy nhiên sau khi khám, người dân không được cấp kết quả khám bệnh. Sau đó, mọi người lại tự túc bắt xe về quê.

Lừa đảo đi xuất khẩu lao động rồi ôm tiền đặt cọc bỏ trốn
Giấy biên nhận tiền đặt cọc của các nạn nhân được bà Đào ghi, ký xác nhận và hứa nếu đến hạn mà các lao động không được đi sẽ hoàn lại tiền.
Nhưng rồi hết thời hạn 3 đến 5 tháng, những người này vẫn không được đi xuất khẩu lao động như lời hứa, khi họ hỏi bà Đào thì lại nhận được những lời hứa hết lần này đến lần khác. Đến ngày 12/1/2013 bà Đào gọi những người dân này sang nhà bà và tiếp tục thu thêm mỗi người 1.300USD để làm visa và mua vé máy bay. Sau khi nhận tiền, bà Đào tiếp tục ghi thêm vào giấy biên nhận là đã nhận thêm số tiền trên và hứa nếu đến ngày 20/3/2013 không đi được bà Đào sẽ hoàn trả lại số tiền trên.

Tuy nhiên đến ngày 29/3/2013, người dân vẫn chưa được bay đi xuất khẩu lao động. Quá lo lắng, người dân đã liên lạc theo 3 số điện thoại của bà Đào thì cả 3 số đều không liên lạc được. Họ đã tìm đến nhà riêng của bà Đào thì mới tá hỏa vì bà Đào đã đi khỏi địa phương.

Chuyện vỡ lở, lộ ra đường dây lừa đảo

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân trình báo, cơ quan công an phường Cửa Nam đã chuyển hồ sơ lên cơ quan công an TP Vinh, Nghệ An thụ lý, giải quyết vụ việc. Quá trình tiến hành điều tra vụ việc, cơ quan công an xác định trước đó bà Đào cũng đã từng dính líu đến một vụ lừa đảo tương tự.

Theo cơ quan công an, vào năm 1998, bà Đào đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, đến năm 2002 thì về nước. Qua thời gian ở nhà, bà Đào đã làm quen được với bà Nguyễn Thị Đức (trú tại số nhà 58, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An).

Biết nhà bà Đức gần địa điểm làm hộ chiếu xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An, bà Đào đã trao đổi và nói bà Đức “tuyển lao động” giúp bà Đào. Sau khi nhận lời bà Đào, bà Đức nói lại với con rể là Nguyễn Chiêu Dương (trú tại khối 1, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) để thông báo tuyển dụng lao động đi nước ngoài.

Ngay sau khi ra thông báo, 70 lao động ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) và 5 lao động ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) đã đến nộp hồ sơ tuyển dụng và mỗi người nộp cho bà này số tiền từ 6-20 triệu đồng tiền đặt cọc.

Sau khi nhận tiền đặt cọc, bà Đức và con trai dẫn những lao động này ra Hà Nội để khám sức khỏe. Tại đây, bà Đức đã yêu cầu mỗi người đưa cho bà Đào số tiền 5 triệu đồng. Sau khi khám xong, bà Đào thông báo có 34 người trúng tuyển và hẹn về chờ. Sau khoảng thời gian chờ đợi, số người “đạt yêu cầu” còn lại 25 người.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bà Đào hẹn các lao động sẽ được bay trong thời gian tới, nhưng chờ mãi cũng không được nên những người này đã đến nhà riêng yêu cầu trả lại tiền đặt cọc thì không được. Ngay sau đó, những người này đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để được giúp đỡ. Sau đó, cơ quan công an đã triệu tập bà Đào để lấy lời khai. Khi các nạn nhân ở Hà Tĩnh nộp đơn tố cáo thì bà Đào cũng đã bỏ đi khỏi địa phương.

Được biết, bà Trần Thị Đức làm theo lời bà Hoàng Thị Đào và nộp số tiền thu lại của các nạn nhân cho bà Đào nên cơ quan công an đang xem xét yếu tố phạm tội. Riêng bà Hoàng Thị Đào, Cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh việc bà này khai là nộp tiền và ảnh cho một người đàn ông tên Vương Đình Chính tại Đài Loan nhưng bà Đào đã không xuất trình được bất kỳ giấy tờ hay tài liệu nào liên quan.

Trong trường hợp nếu như có ông Vương Đình Chính thì bà Đào lại là người trung gian bị lừa, nhưng theo các điều tra viên thì để xác minh được đối tượng này thì đang rất khó. Hiện vụ án vẫn đang được cơ quan công an thành phố Vinh (Nghệ An) tiếp tục điều tra làm rõ những người liên quan.