Đối với họ, “giấc mơ Nga” là những ngày sống chui lủi, lao động như một cái máy, trong khi đó số tiền kiếm được cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống thường nhật.
Ngày làm từ 12-14 giờ là... bình thường!
Mặc dù phải 9h sáng ngày 10.8, đoàn 31 lao động ở Liên bang Nga mới đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài, nhưng từ rất sớm, anh Thân Văn Tĩnh (SN 1973, trú tại thôn Thành Công, xã Tiên Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và hơn 10 người thân trong gia đình đã có mặt ở sân bay để chờ đón người thân. Người em ruột của anh Tĩnh là Thân Việt Hậu đã đi lao động 5 năm ở Nga mà chưa một lần về nước.
Hậu sinh năm 1981, đã đi lao động xuất khẩu ở Nga từ năm 2007 thông qua một Cty. Với lời quảng cáo của Cty này là đi lao động xuất khẩu ở Liên bang Nga mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt còn có thể để ra được vài trăm USD, nên gia đình anh Tĩnh cũng cố gắng vay mượn khắp nơi để gom đủ 2.300USD đóng cho Cty với hy vọng em trai anh lao động ở Nga về sẽ có tiền để đổi đời. Ngoài số tiền trên, người có nhu cầu xuất khẩu còn phải đóng thêm gần 5 triệu đồng tiền học tiếng, cũng như lo lót một số giấy tờ liên quan.
Tuy nhiên, khi anh Hậu mới ở Việt Nam qua Nga được vài tuần thì chủ của Cty anh Hậu bên Nga đã bỏ mặc những lao động này, mặc cho họ tự đi kiếm việc làm ở trong cộng đồng người Việt tại Nga bởi trên thực tế, những Cty này chỉ làm hộ chiếu đi theo dưới dạng visa du lịch 3 tháng, hết thời điểm trên thì họ phải trốn ở lại Nga rồi tự tìm công việc phù hợp với mình với hy vọng kiếm sống qua ngày nơi đất khách, quê người.
Công việc chính của anh Hậu là làm thợ xây, nay đây mai đó. Công việc thì nặng nhọc, nếu như lúc đầu theo “quảng cáo” của Cty về môi giới lao động xuất khẩu thì chỉ làm ngày 8 tiếng, trên thực tế, công việc hằng ngày của những lao động này là làm thợ xây từ 12-14 tiếng, thậm chí có ngày phải “tăng bo” lên tận 16 tiếng, trong khi đó chỉ được nghỉ giữa trưa có đúng 1 tiếng đồng hồ để ăn cũng như làm vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh đó, do khí hậu bên Nga rất khắc nghiệt, mùa hè có lúc hơn 40 độ C, mùa đông thì âm 30 độ C nên rất nhiều người Việt Nam bị ốm. “Nhưng ốm thì cũng phải dậy mà làm, bởi nếu không làm thì biết lấy gì mà sống” - anh Tĩnh chia sẻ.
Còn theo lời kể của người nhà chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, trú tại Bắc Giang) thì cuộc sống của chị Hằng không khác gì đi tù giam lỏng. Chị Hằng là công nhân một xưởng may ở Mátxcơva, tuy nhiên do đây là xưởng toàn công nhân trốn ở lại mà không xin visa nên chủ xưởng đã cho tất cả công nhân xuống tầng hầm để làm việc từ thứ hai đến thứ sáu. Mọi hoạt động đều sống trong ánh đèn điện, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Chỉ đến cuối tuần, khi lực lượng công an Nga buông lỏng thì mọi người mới dám đi lên để tránh không khí ngột ngạt dưới tầng hầm. Tuy nhiên, cũng chẳng ai dám đi đâu xa vì trong người không có mảnh giấy tùy thân, chẳng may mà bị bắt thì vừa mất tiền, vừa bị giam giữ.
Cuộc sống cực khổ, hoang mang
Sau 5 năm lao động tại Nga, tài sản giá trị nhất mà anh Thân Văn Hậu có được khi hồi hương là tấm giấy thông hành có giá trị một lần để nhập cảnh về nước
Anh kể: “Tôi bị cảnh sát Nga phát hiện, bắt tạm giữ 24 ngày. Trong khoảng thời gian ở trại Sông Hồng 1, tôi cũng như nhiều lao động bất hợp pháp khác sống cực khổ. Họ bắt chúng tôi đóng tiền chuộc khoảng 1.000USD thì sau đó mới thả tôi về. Trong khi đó, bọn tôi tiền ăn hằng ngày đã không có, giấy tờ tùy thân cũng không, có chiếc điện thoại là phương tiện liên lạc với gia đình, bạn bè thì bị cảnh sát thu mất nên chúng tôi thực sự rất hoang mang”.
Thậm chí, khi về đến Việt Nam thì trong người anh Hậu không có một đồng tiền nào, đồ đạc cũng không có, chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người cùng tờ giấy thông hành vào Việt Nam do cơ quan chức năng cấp.
Tiếng chuông cảnh tỉnh cho người đi lao động xuất khẩu “chui”
Rất nhiều người khi được hỏi cuộc sống ở bên Nga trong thời gian đi xuất khẩu ra sao, đã cho rằng, đây là khoảng thời gian tủi nhục, đáng quên nhất trong cuộc đời mình. Đối với họ, mang tiếng là ra nước ngoài lao động nhưng số tiền kiếm được chả đáng là bao so với mức chi tiêu phải trả bởi cuộc sống ở nước ngoài rất đắt đỏ, tốn kém.
Qua câu chuyện của nhiều người, đã không ít lần vào mùa đông do thiếu tiền mua đồ ăn nên họ phải đi ra những mặt hồ đóng băng, khoan một lỗ để câu cá cải thiện đời sống, còn rau xanh đối với những người lao động xuất khẩu chỉ là thứ xa xỉ, trong khi đó nếu ở nhà thì họ chẳng bao giờ có thể nghĩ rằng có ngày mình làm việc hùng hục để kiếm tiền, nhưng cũng chẳng đủ mua rau xanh cho bữa ăn hằng ngày. Với họ, mỗi ngày thức dậy là lại phải lao vào công việc, làm hết công suất, đến khuya thì lại về ngủ trong những thùng container hay những căn nhà tồi tàn, cũ nát, công việc này lặp đi lặp lại hằng ngày, kể cả thứ bảy hay chủ nhật.
Thậm chí, có nhiều trường hợp người lao động bị đánh khi có ý định bỏ về hoặc không muốn làm nữa. Vì vậy, nếu có ai hỏi họ có muốn đi Nga xuất khẩu lao động nữa hay không, có lẽ tất cả đều chung một câu trả lời là “không bao giờ”, bởi “giấc mơ Nga” của họ đã tan tành ngay từ khi họ đặt chân đến xứ người”.
Hoàn tất đưa lao động Việt Nam ở Nga về nước vào cuối tháng 8. Hãng Interfax trích lời bà Olga Kirillova - Giám đốc Sở Di trú Mátxcơva - cho biết, nhóm công dân Việt Nam kế tiếp sẽ được sắp xếp lên các chuyến bay hồi hương khi có chuyến bay trống chỗ trong tuần này. Trong cuộc họp báo ngày 10.8, bà Olga Kirillova tuyên bố rằng, chính quyền dự định giải tán khu lều trại nằm trong khu vực Golyanovo, phía đông Mátxcơva và trục xuất toàn bộ số người trong trại cho đến cuối tháng 8 năm nay. Gần 600 người Việt có mặt tại khu lều trại, kể cả 31 người đã bay về nước hôm 10.8, đều đã nhận được quyết định trục xuất của toà án. Chính quyền thành phố Mátxcơva muốn chuyển số người đang bị tạm giữ tại khu lều bạt này về các khu trại hè dành cho trẻ em ở vùng ngoại ô thủ đô, tuy nhiên chưa có thông tin chính thức xác nhận điều này.