Mục tiêu trong năm 2013, Việt Nam sẽ xuất khẩu 85.000 lao động.Một số nước đang mở cửa cho thị trường lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.Bởi vậy mục tiêu này đang có nhiều hi vọng hơn bao giờ hết.
Đài Loan đang là thị trường chính của xuất khẩu lao động Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường việc làm trong nước nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn thì việc kích cầu đưa lao động sang làm việc tại nước ngoài là một biện pháp lâu dài. Nền kinh tế của những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, cơ hội việc làm dành cho lao động tại các nước này trong thời gian tới vẫn tăng.
Bên cạnh đó, một số thị trường tiềm năng khác cũng đang mở cửa. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chỉ tính riêng trong tháng 6, các DN đã đưa tổng số 7.239 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có khoảng 2.500 lao động nữ. Các thị trường chính vẫn là Đài Loan với 4.168 lao động, Nhật Bản 678 lao động, Hàn Quốc 484 lao động, Malaysia 546 lao động, và các thị trường khác như UAE, Lào, Campuchia, Macao, Libya…
Kết quả trên nâng tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2013 là 39.465 lao động, đạt 46,4% chỉ tiêu kế hoạch cả năm và bằng 98,4% số lao động đi làm việc ở nước ngoài 6 tháng đầu năm 2012. Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Năm 2013, ngành lao động phấn đấu đạt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và củng cố các thị trường trọng điểm vẫn là mục tiêu hướng đến.
Sau khi “mất điểm” tại thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại được cơ hội và vị trí của mình tại một số thị trường tiềm năng khác. Với Nhật Bản, năm 2012 đã đưa được 8.800 lao động Việt Nam đi làm việc, năm 2013 sẽ phấn đấu đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ ngày 1-7 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản không phải đóng tiền bảo lãnh hợp đồng. Đây là tin vui đối với nhiều người lao động, bởi trước đó khoản tiền bảo lãnh hợp đồng là một cửa ải khó vượt qua. Hiện nay các đơn hàng tuyển tu nghiệp sinh đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản xin thẩm định ngày càng tăng đặc biệt là nhu cầu tiếp nhận y tá và điều dưỡng viên. Riêng thị trường Malaysia, từ 1-1, lương cơ bản của lao động sẽ được điều chỉnh lên mức 900 ringgit/tháng (tương đương khoảng 300USD/tháng) là tín hiệu tốt, góp phần làm tăng nhu cầu của lao động sang thị trường này. Hiện nay thị trường Trung Đông cũng bắt đầu phục hồi và đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lao động lớn. Một số thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển cũng đã được các DN Việt Nam chú ý đến.
Cần lao động có trình độ
Bên cạnh những thị trường tiềm năng, Đài Loan (Trung Quốc) cũng được nhận định là điểm sáng của ngành xuất khẩu lao động năm nay. Mức lương cơ bản ở thị trường này khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Đối với lao động tại nhà máy, công trường làm thêm 2 giờ trong ngày bình thường được trả thêm 33% lương mỗi giờ; làm thêm các giờ tiếp theo được trả thêm 66% lương mỗi giờ; làm thêm ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép được trả lương gấp 2 lần ngày thường, tổng mức thu nhập hàng tháng của người lao động dao động từ 17-20 triệu đồng.
Hiện đang có khá nhiều cơ hội rộng mở cho những lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, để giữ vững được những thị trường này, các DN cần tăng cường đào tạo và định hướng cho người lao động về kỷ luật lao động và văn hóa của nước sở tại. Tình trạng cò mồi, thiếu quản lý về phí, thiếu thông tin cho lao động, khi lao động đặt bút ký hợp đồng thiếu bộ phận tư vấn… sẽ tạo ảnh hưởng xấu, khó làm lành mạnh thị trường xuất khẩu lao động, người lao động lại rơi vào vòng xoáy như thời gian qua, nhiều trường hợp trả phí quá cao, rồi bị “vỡ mộng” khi ra nước ngoài, hoặc thực tế không như viễn cảnh mà DN đã “vẽ” ra. Vì vậy, theo Phó Cục trưởng Lê Văn Thanh, người lao động phải hiểu rõ muốn có thu nhập cao thì phải chuẩn bị hành trang cho mình thật tốt, đó là trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật và tay nghề.
Năm 2013, Cục sẽ yêu cầu các DN xuất khẩu lao động tăng cường đào tạo, đồng thời cục sẽ giám sát chặt chẽ khâu tuyển chọn và tăng cường quản lý lao động. Chính quyền các địa phương, bộ, ngành và cả phụ huynh cũng phải giáo dục định hướng cho con em có lựa chọn phù hợp về thị trường lao động để xác định đi nước nào, không nên đổ xô vào một thị trường, đặc biệt là những nơi đòi hỏi kỹ năng cao, trong khi sức mình thì không đủ đáp ứng.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao tay nghề cũng như kỹ năng cho người lao động ở thị trường nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2013-2015 để xây dựng các trung tâm đào tạo lao động. Khoản kinh phí đầu tư này nằm trong đề án Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động trong hoạt động xuất khẩu lao động. Theo đó, sẽ tập trung cho việc xây dựng các trung tâm đào tạo lao động bậc cao cho các thị trường có thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu.