Triển vọng xuất khẩu lao động 2013

Năm 2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặt chỉ tiêu tạo việc làm 1,6 triệu người, trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,5 triệu người, xuất khẩu lao động 85.000 người

Ngay từ đầu năm 2013 này, ngoài những thị trường truyền thống, có thu nhập cao, an toàn phù hợp với điều kiện lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt chú trọng tìm giải pháp mở thị trường mới. Với những thị trường có tiềm năng, như thị trường Libya, sau thời kỳ khủng hoảng đã mở cửa trở lại, những nỗ lực nối lại thị trường với Hàn Quốc… là những triển vọng đối với thị trường xuất khẩu lao động  Việt Nam.

Được biết, trong năm ngoái, cả nước chỉ đưa được khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 90% kế hoạch năm. Chính vì thế, việc khôi phục, chấn chỉnh lại các thị trường XKLĐ sẽ được tập trung giải quyết trong năm 2013 này.

Đầu tiên là khôi phục thị trường đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Vì xác định, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với số lượng lao động đưa sang làm việc hằng năm trên 10.000 người. Nếu lệnh dừng tuyển lao động được tháo bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa 12.000 – 15.000 lao động sang Hàn Quốc trong năm 2013 này. Đây là một thị trường tiềm năng, nhưng để khôi phục phải làm quyết liệt, giải quyết tận gốc tình trạng lao động bỏ trốn.

Trien-vong-xuat-khau-lao-dong-2013

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: “Trong năm 2013, đối với thị trường lao động Hàn Quốc, nếu chúng ta không giảm thiểu được tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp một cách liên tục và bền vững thì lao động mới chắc chắn không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Đấy là điều rất khó khăn nếu không có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp chính quyền ở địa phương và bản thân gia đình người lao động và trực tiếp của người lao động”.

Cùng với nỗ lực nối lại thị trường lao động Hàn Quốc, kế hoạch tăng dần việc đưa lao động sang Libya làm việc cũng được chú trọng. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: So với các nước Bắc Phi và cả Trung Đông, Libya là thị trường hấp dẫn hơn cả nhờ thu nhập cao hơn, bình quân 10 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông. Hiện nay, đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động đưa lao động trở lại Libya, nhưng phải làm chặt chẽ, bảo đảm việc làm, thu nhập, an toàn cho người lao động.

Dự kiến, năm 2013, cả nước sẽ đưa khoảng 5.000 lao động sang Libya làm việc. Vấn đề chúng ta cần phải quan tâm đó là vấn đề công tác đào tạo. Bởi vì chúng ta đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng giống như chúng ta xuất khẩu hàng hóa, mà chất lượng hàng hóa không tốt hay chất lượng lao động chúng ta không tốt thì chúng ta không cạnh tranh được. Chất lượng tốt thể hiện 3 yếu tố: ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm tác phong nghề nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, các chính sách đào tạo chúng tôi cũng phải lồng ghép tất cả những dự án để làm sao lao động của chúng ta được thụ hưởng những chương trình đó đi xuất khẩu lao động đảm bảo những yêu cầu từ phía bạn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, cho biết, Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích các doanh nghiệp khai thác thị trường mới, thị trường thu nhập cao để tăng lượng và chất cho xuất khẩu lao động. Theo đó, năm 2013, phấn đấu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một trong những việc cần làm ngay và làm quyết liệt là vấn đề đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được chú trọng hơn, đặc biệt với những thị trường khó tính: “Xuất khẩu lao động tập trung các giải pháp giảm tỉ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Đài Loan, phát triển thị trường Nhật Bản, Malaysia, khu vực Trung Đông và một số thị trường tiềm năng khác. Sơ kết và triển khai có hiệu quả đề án theo quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố triển khai các hình thức tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến người lao động, gia đình và chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, gia đình tham gia Xuất khẩu lao động. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng dạy nghề, tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường.

Vậy là cơ hội đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài đã mở rộng cánh cửa ngay từ đầu năm. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2013 của ngành LĐ-TB&XH vừa tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Bộ LĐ-TB&XH tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động, đồng thời chấn chỉnh việc ký kết, thẩm định hợp đồng nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập và an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, từng bước chuyển đổi, khai thác thị trường mới, thị trường thu nhập cao, tăng dần lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài.