Làng 'cha truyền con nối' đi xuất khẩu lao động

Đa số người dân ở xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đi xuất khẩu lao động đều thắt chặt những sinh hoạt giải trí riêng tư với mong muốn thoát nghèo. Họ chỉ đi từ nơi ở ra đến chỗ làm, có vui chơi cũng gói gọn trong một nhóm đồng hương, tiết kiệm chi phí hết mức. Hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của đồng tiền...

Xuất khẩu lao động "cha truyền con nối"

Hơn 10 năm trước, Vĩnh Lại là một xã từng nổi tiếng vì... nghèo. Ngày nay, người ta sẽ phải ngạc nhiên về sự thay đổi không ngờ với những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ.

Vài người dân đang làm lúa, giải thích về sự đổi thay này : “Tất cả là nhờ đi xuất khẩu lao động. Xã này nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có người ở nước ngoài. Nhưng gặp thì khó lắm, vì họ có ở nhà đâu”.

Tìm hiểu mãi mới gặp được ông Miên, gia đình đi xuất khẩu lao động theo kiểu "cha truyền con nối". Con trai ông Miên mới trở về từ Hàn Quốc, hiện đi du lịch, chờ sắp tới cùng vợ tiếp tục đi lao động ở Nhật.

Lang-cha-truyen-con-noi-di-xuat-khau-lao-dong

Ông Miên cho biết mình là một trong những người tiên phong với phong trào xuất ngoại làm giàu. Đầu những năm 2000, ông cùng vài người làng chạy vạy số tiền lên đến gần 5.000 USD để đi XKLĐ với ước mơ thoát nghèo. Gia đình nào cũng khó khăn, túng thiếu, để có số tiền lớn, đều phải vay mượn, thậm chí cầm cố cả nhà cửa ruộng vườn.

Năm nay mới ngoài 50 tuổi, ông Miên đã xuất ngoại đến Đài Loan, Brunây, Hàn Quốc, làm công nhân xây dựng. Ông Miên nhớ lại vì đã có nghề sẵn nên ông không phải mất thời gian học nghề mà bắt tay vào làm việc luôn. Tuy vậy ngày đó có nhiều nỗi lo thường trực. Không biết có thích nghi được với cuộc sống ở nước sở tại hay không, có làm ra tiền để gửi về quê cho gia đình trả nợ hay không?.

Ý thức được nỗi khổ nơi quê nhà, các nông dân xã Vĩnh Lại đều cố gắng tích cóp để có tiền trả nợ. Ông Miên cho biết đa số người làng đi xuất khẩu lao động đều thắt chặt những sinh hoạt giải trí riêng tư. Họ chỉ đi từ nơi ở ra đến chỗ làm, có vui chơi cũng gói gọn trong một nhóm đồng hương, tiết kiệm chi phí hết mức. Hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của đồng tiền. Để thực hiện giấc mơ thoát nghèo, họ đã phải đánh đổi mồ hôi nước mắt, cùng nỗi nhớ quê hương da diết nơi đất lạ.

Ở xã Vĩnh Lại có rất nhiều gia đình như nhà ông Miên. Đời cha đi xuất khẩu lao động cả chục năm, rồi khi các con trai, con gái đến độ tuổi lao động, cha anh lại tạo điều kiện cho nối gót. Nhờ có truyền thống đi xuất khẩu lao động, đa phần các hộ gia đình tại đây đều có cuộc sống khá giả.

Từ “con nợ” thành “chủ nợ”

Ông Nguyễn Đình Uẩn, Chủ tịch xã Vĩnh Lại cho biết: Hiện số khẩu của xã là 2.000 người , trong đó có tới 700 người đang đi xuất khẩu lao động. Họ chủ yếu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ đi Mỹ hay Anh.

Số tiền họ gửi về nước hàng tháng trung bình mỗi người là 1.000 USD. Số tiền này được gửi về cho gia đình tích cóp, chủ yếu dùng cho việc xây dựng nhà cửa, dư dả thì gửi vào ngân hàng. Bình thường, những người ở nhà vẫn tiếp tục làm việc đồng áng, tự nuôi sống bản thân.

Bởi vậy, số tiền người dân Vĩnh Lại gửi tại chi nhánh của Ngân hàng NN&PTNT bao giờ cũng là nhiều nhất địa phương. Đến nỗi, các nhân viên ngân hàng vẫn thường đùa rằng: Trước đây còn nghèo, người dân xã Vĩnh Lại là “con nợ” lớn nhất. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu tính theo số lượng tiền gửi, xã lại là "cổ đông" lớn nhất của ngân hàng.

Điều này xuất phát từ tâm lý không muốn phiêu lưu, mạo hiểm, chọn giải pháp an toàn là gửi vào ngân hàng cho ăn chắc, lấy số tiền lãi hàng tháng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người đi xuất khẩu lao động về đều không muốn trở lại gắn bó với nghề nông. Đa số họ đều mở những cửa hàng, dịch vụ nho nhỏ, kiếm chút lãi để kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Ông Chủ tịch xã chia sẻ thêm, điều đáng quý là đa số những người từ nước ngoài về đều không bo bo giữ riêng cho mình. Nhiều gia đình, nhiều cá nhân đã dùng những đồng tiền mồ hôi xương máu để chung tay xây dựng quê hương. Cùng với chính quyền, họ góp phần nâng cấp đường xá, trường học, y tế, khiến cho bộ mặt của xã ngày càng đổi mới theo chiều hướng tốt đẹp hơn, tích cực hơn.

Làng chỉ có người già và trẻ nhỏ

Ở ngôi làng có nhiều người đi xuất khẩu lao động như ở xã Vĩnh Lại đi đến đâu cũng bắt gặp những ngôi nhà hoàng tráng, nhưng bên trong nhiều khi chỉ có người già và trẻ nhỏ. Thanh niên trong xã khi đã tốt nghiệp phổ thông nếu không thi đỗ đại học, sẽ đi học nghề rồi nối bước xuất khẩu lao động. Vậy nên đi từ đầu đến cuối xã, chỉ gặp toàn người già, trẻ nhỏ, hiếm lắm mới thấy bóng dáng của thanh niên.

Điều này đồng nghĩa với việc các gia đình nhiều năm không có đầy đủ thành viên. Nói về điều đó, ông Chủ tịch xã chia sẻ, sở dĩ xã nhiều người có cơ hội được đi xuất khẩu lao động là do người dân chăm chỉ, tu chí làm ăn. Khi hết hạn hợp đồng thì chấp hành đúng theo luật lệ, không ở lại bất hợp pháp, vì vậy tạo thành "thương hiệu" được người nước ngoài tin cậy, tiếp tục trao cơ hội.

Một lý do nữa, hiện nay để xuất ngoại, trung bình một người phải chi phí khoảng 6.000- 7.000 USD, gồm chi phí phát sinh, tiền môi giới ngoài số tiền Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội qui định. Đây là một số tiền khổng lồ với người làm nghề nông. Tuy nhiên, vì là xã có số lượng người đi xuất ngoại nhiều, gửi tiền về nhiều, nên ngoài ngân hàng thì gia đình nọ có thể cho gia đình kia vay, tạo điều kiện thuận lợi cho những gia đình có nhu cầu thoát nghèo.

Là một xã giàu lên rất nhanh nhờ việc người dân đi xuất khẩu lao động nhưng không phải không có hệ lụy. Bởi nhiều gia đình cả bố mẹ đều ở nước ngoài, con cái phó mặc cho ông bà, thiếu người giáo dục kèm cặp. Hơn nữa, sẵn tiền bố mẹ gửi đều đặn về hàng tháng, nhiều đứa con có tư tưởng chơi bời hư hỏng.

Cũng có nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động từ khi còn quá trẻ, sang nước sở tại lại mải chơi không chịu làm việc, dần dà sa đà vào các tệ nạn xã hội. Điều này dẫn đến việc người sử dụng lao động ở nước sở tại chấm dứt hợp đồng sớm, bị trục xuất về nước. Như vậy đồng nghĩa với việc không trả được nợ, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc.

Một hệ lụy khác, những người đi xuất khẩu lao động đến lúc trở về, việc tái hòa nhập cộng đồng rất khó khăn. Bởi họ đã quen với công sức bỏ ra có thu nhập cao, không quen với việc đồng áng đầu tắt mặt tối mà không đủ sống tại quê hương. Một bộ phận nhỏ những thanh niên này trở thành người lông bông không việc làm tại chính quê hương của họ.

Nguy cơ “tuyệt chủng” nghề nông

Một người dân cho biết, mỗi tháng thu nhập trung bình của anh ở bên Hàn Quốc hơn 1.000 USD, mà tiền ăn uống, sinh hoạt lại còn dễ chịu hơn ở Việt Nam.

Một ví dụ đơn giản để thấy sự chênh lệch là giá một chục trứng bên đó chưa đến 20.000 đồng, mà ở quê anh giá cao hơn gấp rưỡi.

“Làm ruộng cả năm trời vất vả không bằng thu nhập một tháng thế thì có chăm chỉ đến đâu đi nữa cũng chỉ đủ ăn, lấy đâu tiền tính chuyện làm giàu, xây biệt thự? Vậy thì ai còn khí thế muốn làm ruộng, làm bao giờ cho hết đói, hết khổ?”, người này đặt câu hỏi.