Sáng nay, 4 thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (31 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30), Lê Văn Chính (20 tuổi, cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có mặt quê sau những tháng ngày mệt mỏi nơi xứ người.
Anh Trung cùng với anh Dương lên tàu Cheng Cheng Shipping của ông chủ người Đài Loan để đi xuất khẩu lao động. Trên tàu có tất cả 25 người, trong đó 16 người Philippines, 4 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam, một người Indonesia.
Tàu bắt đầu ra khơi đánh cá ngừ. Anh Trung làm đầu bếp còn 3 thuyền viên người Việt khác làm mồi, kéo câu trên tàu. Theo 4 thuyền viên, công việc của họ bị quá tải, chủ tàu quản lý rất chặt chẽ. "Hầu như ngày nào cũng làm việc 18 giờ một ngày. Nếu không làm việc đúng giờ thì chủ tàu dọa không chấm công", anh Trung kể.
Không chỉ làm việc nhiều giờ,quá sức, các thuyền viên còn phải ăn uống kham khổ. Buổi sáng chủ yếu là ăn cháo, buổi trưa và tối hầu như ăn cơm với cá mồi câu đã bị tanh ươn. Nhiều con cá làm mồi câu đã hôi thối nhưng chủ tàu vẫn ra lệnh nấu lên để ăn. Lâu lâu họ mới được ăn vài cọng rau, miếng thịt gà. Hoặc hôm nào câu được nhiều cá thì chủ tàu cho đổi bữa.
Làm việc mệt nhọc, ăn uống khổ cực khiến nhiều thuyền viên chán nản.Các thuyền viên VN xin nghỉ việc để về nước nhưng lại không được chủ tàu chấp nhận.Và họ đã lên kế hoạch chạy trốn
Anh Trung cho biết, ý tưởng nhảy xuống biển trốn đã được cả 4 người bàn bạc từ trước lúc tàu vào kênh Panama. Họ ngồi chú ý tới các tàu thuyền qua lại quanh con tàu mình ở để căn khoảng thời gian nhảy xuống sẽ được cứu. 0h đêm 14/8, khi thấy con tàu tiến đến gần cột báo hiệu trên biển, 4 người mặc áo phao, cầm can nhựa nhảy xuống biển.
"6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc chân tay lạnh cóng, tôi nghĩ mình sẽ chết. Nhưng nghĩ đến con nhỏ chưa đầy 1 tuổi và vợ ở quê nên tôi gắng hết sức. Khi được tàu cảnh sát Panama cứu tôi mới biết mình sẽ có cơ hội gặp vợ con", anh Trung ôm con trai vào lòng và kể lại.
Được cứu lên bờ, cả 4 người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước. Ngày 17/8, 4 người lên máy bay và chiều 19/8 đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Cả 4 người đều cho rằng, nhảy xuống biển rất nguy hiểm nên không thể đánh liều với tính mạng của mình. Hơn nữa, họ đang bị công ty nợ lương. Cụ thể, anh Trung bị nợ 2 tháng cùng 5 triệu tiền cọc phá vỡ hợp đồng. Lương thực của anh Trung là 500 USD nhưng gia đình nhận được 400 USD. Anh Trần Văn Dương bị nợ 4 tháng lương (mỗi tháng gia đình nhận 6 triệu đồng). Anh Tùng còn 3 tháng lương (mỗi tháng 7 triệu đồng). Số tiền họ nộp cho công ty xuất khẩu lao động là 11-17 triệu đồng / người.
Trần Văn Dương giọng buồn rầu: "Đây là lần đầu em mang mộng làm giàu để đi xuất khẩu lao động. Nhưng có lẽ đây cũng là lần cuối vì không ngờ lại cực như thế. Bây giờ trước mắt có lẽ em chỉ ở nhà đi biển với anh em người thân ở quê, được con tép thì ăn tép, được tôm thì ăn tôm chứ không dám nghĩ tới xuất khẩu lao động lần nữa đâu", Dương nói và mong muốn được công ty thanh toán hết tiền lương để anh trả nợ và trang trải cuộc sống.