Hỗ trợ lao động di cư - không chỉ la chữa cháy

Trong vòng 5 năm gần đây, có 6,5 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp; trong đó 80% là vì mục đích mưu sinh. Đáng chú ý, có đến gần 70% lao động di cư là thanh niên trẻ dưới 30 tuổi và đang gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống đòi hỏi cần phải có những hỗ trợ kịp thời cho nhóm lao động trẻ này.
Theo kết quả nghiên cứu của dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” , vấn đề thiếu nhà ở vẫn là nỗi khó khăn lớn nhất đối với lao động di cư, có tới 86,3% lao động di cư phải thuê nhà ở và chỉ có 2,9% đã mua được nhà. Tiền thuê nhà, điện nước sinh hoạt chiếm tới 23% thu nhập của người lao động. Đặc biệt, hơn 85% lao động di cư phải trả tiền điện, nước sinh hoạt theo giá của chủ nhà và cao gấp 2-3 lần giá theo quy định. Mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất đối với lao động di cư là tìm nhà ở/thuê giá rẻ.
Chính vì những khó khăn về nhà ở, tích lũy hạn chế khiến đại đa số lao động di cư không có định hướng lâu dài cho công việc của họ, gần 60% lao động di cư không biết dự định sẽ sinh sống ở địa phương nơi làm việc trong bao lâu và chỉ có 7,5% lao động quyết định sẽ định cư hẳn.
“Kết quả nghiên cứu đã đặt ra một yêu cầu mới trong hoạch định chính sách, đó là có tới 47% số lao động di cư đã kết hôn; trong đó 31,8% lao động di cư sống với vợ, chồng và 14,5% sống với con cái, vì vậy, họ sẽ muốn ở lại ổn định hơn và là đối tượng cần được chú ý để xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở tốt hơn,” ông Đặng Đình Long nói.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Tiền nhấn mạnh: “Thực tế có rất nhiều lao động không muốn ở các khu nhà giá rẻ dành cho công nhân mà muốn thuê nhà bên ngoài ở vì họ có con nhỏ, không muốn bị quản lý theo quy chế do công ty đặt ra.” Bà cho rằng, đối lượng lao động di cư hiện nay đa số là lao động trẻ với nhu cầu kết hôn, sinh con nên mong muốn về nhà ở ổn định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch cũng cần nghiên cứu rõ mong muốn, yêu cầu thực tế của lao động di cư để xây dựng các khu nhà ở sao cho phù hợp và có tính bền vững, lâu dài. Không hỗ trợ kiểu “chữa cháy”
Kết quả nghiên cứu cho thấy rất ít lao động nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước để khắc phục khó khăn khi di cư. Có tới 67,1% người lao động tự khắc phục khó khăn; 18,5% nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ và 15,7% nhờ họ hàng. Hiện nay, việc hoạch định chính sách dành cho lao động di cư của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn chỉ dừng ở mức hỗ trợ lao động sau khi di cư. Các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một chu trình hỗ trợ khép kín từ khi lao động chuẩn bị di cư khỏi địa phương đến khi tìm được việc và ổn định cuộc sống.
 Theo ông Đặng Đình Long, “ngành lao động không thể chỉ đi ‘chữa cháy’ mà phải được tham gia vào từ việc quy hoạch các khu công nghiệp đến hoạch định chính sách phát triển dài hạn của địa phương để kịp thời xây dựng những chính sách cho lao động trước và sau khi di cư.” Bà Nguyễn Thị Dân thì nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là làm sao để lao động di cư có tổ chức, không để tình trạng cả nơi lao động đến và đi đều không được hỗ trợ.

Đối với vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ lao động di cư, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cho rằng cần phải thay đổi việc phân bổ ngân sách địa phương tính theo hộ khẩu, dân số địa phương đối với những nơi có nhiều lao động di cư tới