Hạn chế lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

   Hiện nay, trong số 15 quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc thì Việt Nam có số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp chiếm tỷ lệ cao nhất. Tính đến hết tháng 12-2012, có khoảng 17.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không có giấy tờ hợp pháp. Chính vì vậy, Hàn Quốc đã tạm dừng gia hạn hợp đồng và không tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu ký kết Biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động theo chương trình phổ thông (EPS) từ năm 2004. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đưa 73.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Nhưng trước tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn khỏi nơi cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên phía Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

 Để tìm nguyên nhân trên, mới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp”. Nghiên cứu do Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) thực hiện. Kết quả khảo sát 243 người lao động (trong đó có 100 lao động hợp pháp đang làm việc ở Hàn Quốc, 98 lao động hợp pháp đã về nước và 45 lao động không có giấy tờ hợp pháp đã về nước) cho thấy: Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú, làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc, gồm 4 nhóm chính.

 Thứ nhất là do hạn chế về nhận thức, ý thức của nhiều lao động Việt Nam. Thứ hai, nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Thứ ba, liên quan đến công tác tuyển dụng và quản lý lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, do thiếu các ràng buộc pháp lý giữa cơ quan phái cử lao động và người lao động. Thứ tư, nhóm các nhân tố liên quan đến môi trường và thể chế, chính sách và công tác quản lý lao động di cư của Hàn Quốc.

Han-che-lao-dong-bo-tron-tai-han-quoc

Lao động Việt Nam nghe phổ biến pháp luật trước khi nhận việc tại Hàn Quốc.
Qua cuộc khảo sát có thể thấy, ngoài nguyên nhân chủ yếu là do ý thức, nhận thức của lao động Việt Nam còn hạn chế, sau khi hết hạn hợp đồng không chịu về nước thì còn có nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến thực trạng nói trên chính là nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc khá cao. Do tâm lý thiện cảm với lao động Việt Nam nên nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc sẵn sàng sử dụng lao động Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp, bởi vì những lao động bất hợp pháp này đã có thời gian làm việc tại Hàn Quốc, có trình độ nhất định nên khi sử dụng họ không mất thời gian đào tạo lại. Mặt khác, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc còn quá chặt chẽ, mất nhiều thời gian, khiến đơn vị tuyển dụng lao động rất tốn kém. Trong khi đó, mức xử phạt về tài chính với các chủ sử dụng lao động vi phạm về hành vi này còn nhẹ…

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích, người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc được nhận mức lương cao gấp 7-10 lần so với làm việc trong nước, tính bình quân một lao động sau 5-6 năm làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc có thể gửi về gia đình được 50.000-70.000USD. Mặt khác, do chi phí mà không ít lao động phải bỏ ra để làm thủ tục xuất cảnh quá cao, trung bình từ 80-200 triệu đồng nên sau khi hết hạn hợp đồng, nhiều người đã bỏ trốn ra ngoài lao động tự do để mong gỡ gạc thêm. Thậm chí, nhiều lao động ngay từ khi bước chân sang Hàn Quốc đã có ý định tìm cách ở lại Hàn Quốc lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chưa đồng tình với một số kết quả của cuộc khảo sát. Theo ông Hòa, khảo sát cho thấy trung bình mỗi lao động Việt Nam mất khoảng một năm làm việc để thu lại chi phí xuất cảnh, nhưng theo tính toán của bộ, mỗi lao động chỉ mất khoảng 2-3 tháng là có thể “hoàn vốn”. Về số tiền 80-200 triệu đồng mà nhiều lao động phải chi ra để xuất cảnh, ông Hòa cho rằng, do nhiều lao động không biết cơ chế của bộ nên đã bỏ tiền “chạy” đi xuất khẩu lao động nên mới tốn kém như thế.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để hạn chế người lao động bỏ trốn không về nước đúng thời hạn, phải có các chế tài để ràng buộc người lao động trước khi sang Hàn Quốc làm việc.