Lao động xuất khẩu Hàn Quốc bỏ trốn vẫn chưa giảm

Đã có nhiều giải pháp được cho là mạnh, tỷ lệ lao động xuất khẩu bỏ trốn sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn không giảm.
Theo báo cáo, tỷ lệ lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước hiện vẫn còn 50,7%. Việc giảm từ 57,4% trong quý II/2012 xuống còn khoảng 50,7% trong quý I/2013 được cho là một cố gắng, nhưng thực tế vẫn còn quá nửa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc không về sau khi đã hết hạn hợp đồng.

Báo cáo nghiên cứu của VN cho rằng, nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn là do thu nhập bình quân của lao động VN tại Hàn Quốc từ 1.000 - 1.500 USD, cao gấp nhiều lần so với công việc tương đương tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tốt, chế tài xử phạt chưa nghiêm…

Báo cáo nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại và làm việc không có giấy tờ hợp pháp” của Bộ LĐ-TB&XH được thực hiện từ tháng 11/2012 – tháng 5/2013. Nghiên cứu này được Tổ chức Lao động Quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính. Thế nhưng báo cáo này đã bị bà Kim Bulkyung - đại diện Bộ Việc làm Hàn Quốc phản biện hoàn toàn ngay tại buổi hội thảo.
* Từ năm 2004, theo chương trình EPS (tu nghiệp sinh) tại Hàn Quốc, Việt Nam luôn là quốc gia dẫn đầu trong 15 quốc gia phái cử lao động sang thị trường này.

lao_dong_xuat_khau

*Hàng năm, thu nhập của người lao động VN từ Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, số lao động hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng tăng, đứng đầu trong các nước phái cử lao động sang Hàn Quốc.
Phát biểu phản biện của bà Kim khiến nhiều đại biểu ngỡ ngàng, bởi những lập luận bà này đưa ra quá thuyết phục.
Theo bà Kim, cần phải nhìn vào thực tại, đó là, tại sao trong số 14 nước có lao động tại  Hàn Quốc  tỷ lệ bỏ trốn chỉ chiếm 18,5% mà VN tỷ lệ này lên tới 53,9%? Phải chăng có sự khác biệt về chính sách, cách thức tuyển dụng và đặc điểm của lao động cư trú bất hợp pháp giữa các quốc gia?

Báo cáo nghiên cứu của VN không làm rõ 3 yếu tố trên mà chỉ nêu chung chung. Phương pháp điều tra, so sánh của báo cáo cũng thiếu cơ sở khoa học, không có tính thuyết phục như việc lấy số liệu của 10 doanh nghiệp tại Hàn Quốc, trong khi có tới 76.393 doanh nghiệp tại Hàn Quốc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Cần phải làm rõ việc sai lầm từ chính sách, việc tuyển chọn lao động của VN chứ không chỉ đổ cho nguyên nhân lương cao, chủ sử dụng lao động Hàn Quốc thích tuyển lao động VN. Theo điều tra của phía Hàn Quốc, chủ sử dụng lao động thích lao động Thái Lan và  Philippines hơn là lao động VN.

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đưa được 73.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, do tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, bỏ trốn cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao, nên từ năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng Chương trình EPS với Việt Nam.

Nhiều chuyên gia trong làng xuất khẩu lao động cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng, đó là chênh lệch thu nhập và chi phí xuất cảnh. Trung bình, thu nhập việc làm của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cao gấp 7-10 lần so với tại Việt Nam. Nhiều người, do thiếu hiểu biết nên bị giới “cò mồi” lừa đảo, hoặc cố tình mất tiền để không phải vất vả làm hồ sơ hay không phải học và thi tiếng Hàn nên đã chi phí tới 200 triệu đồng để sang Hàn Quốc. Chính vì vậy, khi kết thúc hợp đồng vẫn muốn bỏ trốn để gỡ lại chi phí.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc không ngại sử dụng lao động bất hợp pháp vì không mất công đào tạo lại, khi cần có thể sa thải ngay. Trong khi đó, luật pháp sở tại  phạt hành vi này quá nhẹ, không thấm gì so với lợi ích kinh tế.

Cánh cửa đi Hàn Quốc theo Chương trình EPS hiện vẫn chưa thể mở, hơn 12.000 người đã đỗ chứng chỉ tiếng Hàn (sẽ hết hạn vào tháng 12/2013) hiện vẫn ngày đêm mong đợi. Nếu họ không đi được hàn Quốc sẽ là sự lãng phí lớn.